Hành vi lừa đảo nhận quà tặng qua điện thoại

Cập nhật | Số lượt đọc: 1874

Luật sư tư vấn về hành vi lừa đảo qua điện thoại

Thưa luật sư công ty Luật Đại Kim! Tôi có một việc muốn nhờ luật sư tư vấn giúp tôi ạ! Trong thời gian gần đây có một đối tượng gọi điện thoại đến số ĐT của con tôi và nói rằng số ĐT của con tôi là nằm trong danh sách 30 số ĐT được trúng thưởng; là một chiếc đồng hồ trị giá hai triệu chín trăm ngàn đồng.

Sau đó đối tượng hỏi con tôi có nhận hay không? Con tôi nói nhận! Thì đối tượng yêu cầu gửi họ tên; Địa chỉ; và số CMND. Con tôi nói Là không có giấy CMND. Vì con tôi chưa đủ tuổi. Vậy đối tượng yêu cầu cung cấp họ tên và địa chỉ chỗ ở. Sau đó đối tượng gửi quà qua đường bưu điện. Và gọi điện thoại liên tục nói con tôi ra nhận. Thì tôi mới chở con tôi đến bưu điện để nhận thì được cô nhân viên bưu điện nói là đóng 380 000 đồng . Theo như đã ghi trên chiếc hộp gói kín; tôi không biết bên trong là vật gì nên tôi không đồng ý đóng khoản tiền như trên. Sau đó con tôi gọi điện hỏi đối tượng gửi quà là phải đóng tiền gì? Thì được đối tượng cho biết là tiền nộp thuế hải quan, công an. Vậy thì tôi không đồng ý đóng số tiền trên. Liền lúc đó đối tượng bảo rằng là nếu con tôi không đóng mặc dù không nhận hàng. Thì sẽ bị chuyển hồ sơ về cho công an đia phương phối hợp với chi cục thuế làm việc. Mà nếu con tôi cố tình trốn tránh thì sẽ bị xử lý hình sự. Vậy Xin hỏi luật sư vụ việc như trên con tôi có vi phạm pháp luật không ? Con tôi sinh năm 2002!

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Đại Kim, với vụ việc của bạn chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

Thứ nhất, thông qua những tình tiết bạn cung cấp thì hành vi của đối tượng gọi điện cho con bạn có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 Bộ luật hình sự 2015 như sau:

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo đó để cấu thành tội này về mặt chủ quan đây phải là do lỗi cố ý, mong muốn chiếm đoạt, lấy tài sản của người khác. Xác định yếu tố khách quan là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng thủ đoạn gian dối, đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Về mặt khách thể ở đây là quan hệ sở hữu tài sản.

Đối chiếu với trường hợp này, đối tượng đã có hành vi gian dối là gọi điện thoại thông báo trúng thưởng để lừa con của bạn nộp số tiền là 380 nghìn đồng. Tuy số tiền này không đủ mức trên 2 triệu nhưng nếu đối tượng đã tham gia lừa đảo mà đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về tội này thì dù lần này số tiền đối tượng lừa con bạn chưa đủ 2 triệu vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Với hành vi của con bạn là ngay tình không biết mình đã bị lừa đảo nên không vi phạm pháp luật hình sự. Lúc này bạn có thể tố giác đối tượng này đã có hành vi lừa đảo, bạn báo cho cơ quan công an để xác minh số điện thoại đã liên lạc với con của bạn để đối tượng sẽ phải chịu xử lý theo quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Đại Kim về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email - tuvanluat@luatdaikim.com hoặc gọi điện đến Hotline - 0948 596 388 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng!

Thông tin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐẠI KIM

Địa chỉ: Phòng 5G, Tòa nhà Viện Chiến lược khoa học Bộ Công an, Số 5 Tú Mỡ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
Tel: 024.8588.7555
Email: tuvanluat@luatdaikim.com
Web: www.luatdaikim - www.sangtentaisan.com - www.webthutuc.com

Dịch vụ nổi bật