Đất ao đã cho hợp tác xã mượn không có giấy tờ có đòi lại được không?

Cập nhật | Số lượt đọc: 6082

Đất ao đã cho hợp tác xã mượn không có giấy tờ có đòi lại được không? Mời các bạn cùng tham khảo vấn đề này trong bài viết sau đây của Luật Đại Kim.

Câu hỏi:

Xin chào Luật sư, tôi là Đỗ Văn Dũng, tôi có câu hỏi muốn được Luật sư tư vấn như sau:

Gia đình tôi có một thửa đất ao được sử dụng từ trước năm 1960 với diện tích gần 5 sào. Khi Nhà nước yêu cầu thực hiện chỉ thị 299 về bản đồ địa chính, bố tôi có đến đăng ký kê khai, trong sổ mục kê của UBND xã ghi tên bố tôi là người sử dụng đất.

Sau đó, đến năm 1968, bố tôi cho Hợp tác xã mượn để thả cá, khi cho mượn bố tôi không làm giấy tờ gì. Đến năm 1994, Hợp tác xã giải thể, vì nghĩ sẽ không có bất kỳ tranh chấp nào có thể xảy ra nên gia đình tôi cũng không đòi trả lại đất. Đầu năm 1996, UBND xã đo vẽ bản đồ để xét duyệt cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai lần đầu cho các hộ dân trong xã thì thửa đất này ghi tên người sử dụng là Hợp tác xã. Khi xét duyệt, gia đình tôi cũng không đòi hỏi gì về thửa đất ao này. Từ khi cho Hợp tác xã mượn ao đến nay, gia đình tôi không có ý kiến gì về thửa đất nói trên vì nghĩ rằng cho xã mượn thì sẽ dễ đòi lại. Hiện nay gia đình tôi không có bất kỳ giấy tờ gì để chứng minh tài sản của mình là thửa đất ao cả. Vì hiện nay gia đình tôi đang có nhu cầu sử dụng nên bố tôi đã làm đơn gửi UBND xã đòi lại thửa đất nói trên. Vậy Luật sư cho tôi hỏi đất ao này gia đình tôi có đòi lại được không? Và gia đình tôi phải làm những thủ tục gì để đòi lại được?

Mong Luật sư tư vấn giúp tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Xin chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến công ty Luật Đại Kim. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin trả lời như sau:

Theo như bạn trình bày, thửa đất ao này đất được gia đình bạn sử dụng từ trước năm 1960, đất này đã được bố bạn kê khai trong sổ mục kê tại UBND xã. Đến năm 1968, bố bạn có cho Hợp tác xã mượn đất để thả cá nhưng lại không làm bất kì giấy tờ nào cả. Tuy nhiên, với tư cách là chủ sở hữu thì khi cho mượn tài sản, chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản thuộc sở hữu của mình.

Trường hợp này, vì giao dịch cho mượn đất giữa bố bạn và hợp tác xã không có bất kì giấy tờ nào nên để có thể đòi lại được đất gia đình bạn cần chứng minh được nguồn gốc đất này thuộc sự sở hữu của gia đình bạn. Đồng thời, cung cấp các thông tin về ngày, giờ, thời điểm thực hiện giao dịch cho mượn đất. Bên cạnh đó, nếu như không đưa ra được các giấy tờ chứng minh thì gia đình bạn có thể đưa ra người làm chứng chứng minh giao dịch đó là có thật trên thực tế. Một trong những bằng chứng rất quan trọng mà gia đình bạn cần đưa ra được đó là giấy tờ chứng minh trước đây gia đình bạn đã sử dụng đất này và đã đăng ký kê khai trong sổ mục kê tại UBND xã.

Đất ao đã cho hợp tác xã mượn không có giấy tờ có đòi lại được không?

Bởi lẽ, căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP:

Điều 18. Giấy tờ khác về quyền sử dụng đất quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 100 của Luật Đất đai

Các giấy tờ khác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 100 của Luật Đất đai có tên người sử dụng đất, bao gồm:

1. Sổ mục kê đất, sổ kiến điền lập trước ngày 18 tháng 12 năm 1980.

2. Một trong các giấy tờ được lập trong quá trình thực hiện đăng ký ruộng đất theo Chỉ thị số 299-TTg ngày 10 tháng 11 năm 1980 của Thủ tướng Chính phủ về công tác đo đạc, phân hạng và đăng ký thống kê ruộng đất trong cả nước do cơ quan nhà nước đang quản lý, bao gồm:

a) Biên bản xét duyệt của Hội đồng đăng ký ruộng đất cấp xã xác định người đang sử dụng đất là hợp pháp;

b) Bản tổng hợp các trường hợp sử dụng đất hợp pháp do Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Hội đồng đăng ký ruộng đất cấp xã hoặc cơ quan quản lý đất đai cấp huyện, cấp tỉnh lập;

c) Đơn xin đăng ký quyền sử dụng ruộng đất đối với trường hợp không có giấy tờ quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này.

3. Dự án hoặc danh sách hoặc văn bản về việc di dân đi xây dựng khu kinh tế mới, di dân tái định cư được Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

4. Giấy tờ của nông trường, lâm trường quốc doanh về việc giao đất cho người lao động trong nông trường, lâm trường để làm nhà ở (nếu có).

5. Giấy tờ có nội dung về quyền sở hữu nhà ở, công trình; về việc xây dựng, sửa chữa nhà ở, công trình được Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh hoặc cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở, xây dựng chứng nhận hoặc cho phép.

6. Giấy tờ tạm giao đất của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh; Đơn đề nghị được sử dụng đất được Ủy ban nhân dân cấp xã, hợp tác xã nông nghiệp phê duyệt, chấp thuận trước ngày 01 tháng 7 năm 1980 hoặc được Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh phê duyệt, chấp thuận.

7. Giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc giao đất cho cơ quan, tổ chức để bố trí đất cho cán bộ, công nhân viên tự làm nhà ở hoặc xây dựng nhà ở để phân (cấp) cho cán bộ, công nhân viên bằng vốn không thuộc ngân sách nhà nước hoặc do cán bộ, công nhân viên tự đóng góp xây dựng. Trường hợp xây dựng nhà ở bằng vốn ngân sách nhà nước thì phải bàn giao quỹ nhà ở đó cho cơ quan quản lý nhà ở của địa phương để quản lý, kinh doanh theo quy định của pháp luật.

8. Bản sao giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và các giấy tờ quy định tại các Khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành cấp huyện, cấp tỉnh đối với trường hợp bản gốc giấy tờ này đã bị thất lạc và cơ quan nhà nước không còn lưu giữ hồ sơ quản lý việc cấp loại giấy tờ đó.”

Theo đó, sổ mục kê là một trong những loại giấy tờ mà nếu người sử dụng đất có giấy tờ này thì sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Khoản 1 Điều 100 Luật đất đai 2013:

“1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất:

a) Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;

c) Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất;

d) Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;

đ) Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật;

e) Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất;

g) Các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo quy định của Chính phủ.

Như vậy, nếu có được những giấy tờ như trên và có bằng chứng chứng minh giao dịch cho mượn đất giữa bố bạn và hợp tác xã thì gia đình bạn hoàn toàn có căn cứ để đòi lại thửa đất ao đã cho mượn. Gia đình bạn có thể yêu cầu UBND giải quyết hoặc có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc.

Căn cứ theo quy định tại Điều 203 Luật đất đai 2013 về Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai như sau:

“Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;

3. Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:

a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

b) Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

4. Người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại khoản 3 Điều này phải ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.”

Do bạn không trình bày rõ vào năm 1996 khi UBND xã xét duyệt để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì hợp tác xã đã được cấp giấy chứng nhận hay chưa vì vậy:

– Nếu hợp tác xã đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì gia đình bạn có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất tranh chấp thụ lý và giải quyết vụ việc.

– Nếu hợp tác xã chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì gia đình bạn chỉ được lựa chọn một trong hai phương thứcyêu cầu Uỷ ban nhân dân cấp huyện hoặc khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất tranh chấp giải quyết vụ việc.

Thông tin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐẠI KIM

Địa chỉ: Phòng 5G, Tòa nhà Viện Chiến lược khoa học Bộ Công an, Số 5 Tú Mỡ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
Tel: 024.8588.7555
Email: tuvanluat@luatdaikim.com
Web: www.luatdaikim - www.sangtentaisan.com - www.webthutuc.com

Có thể bạn quan tâm

Đòi đền bù thế nào khi sai tên trong sổ đỏ?

Đòi đền bù thế nào khi sai tên trong sổ đỏ? Quyền lợi của người dân là gì? Hãy cùng tham khảo bài viết sau đây của chúng tôi.


Nhà đất đã thế chấp có được xây dựng, cải tạo lại không?

Nhà đất đã thế chấp có được xây dựng, cải tạo lại không? Hãy cùng Luật Đại Kim tìm câu trả lời trong bài viết sau đây của chúng tôi.


Điều kiện, thủ tục thế chấp quyền sử dụng đất là tài sản chung của hộ gia đình là gì?

Điều kiện, thủ tục thế chấp quyền sử dụng đất là tài sản chung của hộ gia đình là gì? Vui lòng tham khảo bài viết sau đây của chúng tôi.


Giải quyết tranh chấp khi không mở lối đi chung

Giải quyết tranh chấp khi không mở lối đi chung như thế nào? Mời các bạn cùng tham khảo phần tư vấn của Luật sư Đại Kim trong bài viết sau đây để hiểu hơn về vấn đề này.


Vai trò của thủ tục hành chính trong quản lý và sử dụng đất đai

Vai trò của thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật hiện hành là gì? Hãy cùng tham khảo bài viết sau của Luật Đại Kim để có cái nhìn chính xác hơn về vấn đề này.


Dịch vụ nổi bật