Xử lý hành vi lấn chiếm hủy hoại đất lâm nghiệp

Cập nhật | Số lượt đọc: 52243

Hành vi lấn chiếm hủy hoại đất lâm nghiệp bị xử lý như thế nào? Người dân cần làm gì để bảo vệ lợi ích của mình? Hãy cùng tham khảo bài viết sau đây của Luật Đại Kim.

Câu hỏi:

Xin chào Luật sư! Tôi là Trần Minh Quang, tôi có một vấn đề xin được Luật sư tư vấn như sau:

Tôi có một thửa đất lâm nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2009. Cuối năm 2014 có một công ty đang sử dụng đất nuôi trồng thủy sản liền kề với đất lâm nghiệp của tôi, đã đưa máy xúc và xe tải trọng lớn vào san ủi, đào bới lấy đất đá chở đi nơi khác. Những xe tải này đào vào đất lâm nghiệp của tôi mất hơn 4000m2, đào sâu 10m. Trên đất lúc đó đang có 250m3 cát và hơn 1000 cây keo được 2 năm tuổi đều bị hủy hoại hết. Tôi đã đề nghị Ủy ban nhân dân xã hòa giải 2 lần nhưng công ty không hợp tác giải quyết. Khi tôi làm đơn đề nghị đến UBND huyện thì UBND huyện lại chuyển đơn về xã để giải quyết. Vậy tôi muốn hỏi trường hợp này, tôi phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình? Liệu phía công ty có bị xử phạt hành chính về hành vi lấn chiếm, hủy hoại đất không? Tôi được hưởng bồi thường như thế nào?

Mong Luật sư tư vấn giúp tôi. Tôi xin cảm ơn!

Trả lời:

Với câu hỏi của bạn Luật Đại Kim xin trả lời như sau:

Thứ nhất: Về hành vi san ủi, lấn chiếm, hủy hoại đất đai.

Theo như bạn trình bày, năm 2009 gia đình bạn đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mảnh đất trồng cây lâm nghiệp. Tuy nhiên, vào cuối năm 2014, có một công ty sử dụng đất nuôi trồng thủy sản liền kề với mảnh đất của gia đình bạn đã đưa máy xúc và xe tải có trọng tải lớn vào san ủi, đào bới lấy đất đá để chở đi nơi khác. Việc san ủi, đào bới này đã đào vào một phần diện tích đất của nhà bạn là 4000m2, sâu 10m. Đồng thời, lấy đi 230m3 cát và hủy hoại hơn 1000 cây keo đã được 2 năm tuổi của nhà bạn. Hành vi này của công ty là hành vi lấn chiếm đất và hủy hoại đất, là một hành vi bị pháp luật cấm thực hiện.

Căn cứ theo quy định tại Khoản 25 Điều 3 Luật đất đai 2013, có thể hiểu hành vi Hủy hoại đất như sau:

“25. Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.”

Đồng thời, tại Điều 12 Luật đất đai 2013 quy định như sau:

Điều 12. Những hành vi bị nghiêm cấm

1. Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai.

2. Vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố.

3. Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích.

4. Không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện quyền của người sử dụng đất.

5. Nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Luật này.

6. Sử dụng đất, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

7. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

8. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về quản lý đất đai.

9. Không cung cấp hoặc cung cấp thông tin về đất đai không chính xác theo quy định của pháp luật.

10. Cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Như vậy, có thể thấy lấn chiếm, hủy hoại đất đai là một trong những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm hàng đầu.

Do vậy, đối với hành vi lấn chiếm, hủy hoại đất đai công ty này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 10 Nghị định 102/2014/NĐ-CP như sau:

 Điều 10. Lấn, chiếm đất

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất ở.

4. Hành vi lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở; trong lĩnh vực về giao thông đường bộ và đường sắt; trong lĩnh vực về văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; trong lĩnh vực về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão và trong các lĩnh vực chuyên ngành khác.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này;

b) Buộc trả lại đất đã lấn, chiếm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này.”

Như vậy, căn cứ vào quy định trên, đối với hành vi lấn chiếm, hủy hoại đất lâm nghiệp thì công ty này sẽ bị xử phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Đồng thời, công ty phải trả lại phần đất đã lấn chiếm, đào sâu vào của gia đình bạn (4000m2, sâu 10m) và khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất.Vì trường hợp này, tài sản bị hủy hoại trên đất là 230m3 cát và 1000 cây keo 2 năm tuổi không thể khôi phục lại được nên phía công ty phải bồi thường bằng tiền tương ứng với giá trị tài sản bị hủy hoại cho chủ sở hữu tài sản là bạn.

Lấn chiếm, hủy hoại đất lâm nghiệp bị xử lý như thế nào?

Thứ hai: Về việc giải quyết tranh chấp đất đai.

Điều 202 Luật đất đai 2013 quy định về Hòa giải tranh chấp đất đai như sau:

“1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.

2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.

5. Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.

Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.”

Đồng thời, điều 203 Luật đất đai 2013 quy định về Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai như sau:

“Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;

3. Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:

a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

b) Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

4. Người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại khoản 3 Điều này phải ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.”

Theo như những gì bạn trình bày, bạn đã 2 lần đề nghị hòa giải tại UBND cấp xã nhưng phía công ty không hợp tác giải quyết. Khi đề nghị tới UBND cấp huyện thì UBND cấp huyện cũng không giải quyết vụ việc mà lại chuyển về cho UBND xã tiếp nhận. Trường hợp này, nếu hòa giải tại cơ sở không thành thì để bảo vệ quyền lợi của mình bạn có thể gửi đơn kiện tới Tòa án. Khi đó, Tòa án sẽ thụ lý, xác minh vụ việc là giải quyết cho bạn.

Thông tin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐẠI KIM

Địa chỉ: Phòng 5G, Tòa nhà Viện Chiến lược khoa học Bộ Công an, Số 5 Tú Mỡ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
Tel: 024.8588.7555
Email: tuvanluat@luatdaikim.com
Web: www.luatdaikim - www.sangtentaisan.com - www.webthutuc.com

Có thể bạn quan tâm

Cấp sổ đỏ cho đất không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất

Cấp sổ đỏ cho đất không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất như thế nào? Cần chuẩn bị những giấy tờ nào? Thủ tục ra sao?


Vấn đề cấp sổ đỏ đối với diện tích tự cơi nới

Tự cơi nới diện tích đất có được cấp sổ đỏ không? Việc xác định diện tích đất có vườn ao được xác định như thế nào? Thửa đất đó có được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không?


Trường hợp nào được xin đất công ích của xã?

Trường hợp nào được xin đất công ích của xã? Cá nhân, hộ gia đình muốn xin Uỷ ban nhân dân cấp xã cho sử dụng 1 phần đất đó để sản xuất nông nghiệp có được hay không? Thủ tục xin giao đất như thế nào?


Thẩm quyền và trình tự giải quyết tranh chấp đất đai 

Thẩm quyền và trình tự giải quyết tranh chấp đất đai sẽ là vấn đề thảo luận của Luật Đại Kim trong bài viết hôm nay của chúng tôi, mời các bạn cùng theo dõi.


Quy định của pháp luật về đất chưa sử dụng

Quy định của pháp luật về đất chưa sử dụng là gì? Đất chưa sử dụng gồm những loại đất gì? Cơ quan nhà nước nào có trách nhiệm quản lý đối với đất chưa sử dụng? Việc đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng phải dựa trên những căn cứ nào?


Dịch vụ nổi bật