Trình tự thành lập công đoàn

Cập nhật | Số lượt đọc: 1413

Công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Công đoàn được tổ chức và hoạt động theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam, phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

1. Công đoàn cơ sở

1.1. Điều kiện thành lập Công đoàn cơ sở

* Tổ chức cơ sở của công đoàn bao gồm:

- Công đoàn cơ sở được thành lập ở các doanh nghiệp, các hợp tác xã sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; các đơn vị sự nghiệp, cơ quan Nhà nước; các cơ quan của tổ chức chính trị,  chính trị - xã hội và tổ chức xã hội nghề nghiệp,  có 5 đoàn viên trở lên và được công đoàn cấp trên quyết định thành lập. 

 - Nghiệp đoàn là tổ chức cơ sở của công đoàn, tập hợp những người lao động tự do hợp pháp cùng ngành, nghề, được thành lập theo địa bàn hoặc theo đơn vị lao động có 10 đoàn viên trở lên và được công đoàn cấp trên quyết định thành lập.

 * Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn được tổ chức theo 4 loại hình:

- Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn không có tổ công đoàn, tổ nghiệp đoàn.

- Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn có tổ công đoàn, tổ nghiệp đoàn.

- Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn có công đoàn bộ phận, nghiệp đoàn bộ phận

- Công đoàn cơ sở có Công đoàn cơ sở thành viên.

1.2. Quy trình thành lập Công đoàn cơ sở

Bước 1. Thành lập Ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở(sau đây gọi tắt là Ban vận động):

+ Điều kiện thành lập Ban vận động: Khi có từ ba người lao động trở lên đang làm việc tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.

+ Người lao động (có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam) tự tập hợp, thống nhất bầu Trưởng ban vận động.

+ Ban vận động có trách nhiệm: tổ chức vận động thành lập Công đoàn cơ sở; vận động người lao động tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam; đề nghị công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hướng dẫn việc tổ chức hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở.

Bước 2: Tổ chức hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở:

- Nội dung hội nghị gồm:

+ Báo cáo quá trình vận động người lao động gia nhập công đoàn và tổ chức thành lập Công đoàn cơ sở;

+ Báo cáo danh sách người lao động có đơn tự nguyện gia nhập công đoàn (hoặc danh sách những người đã là đoàn viên công đoàn hiện đang công tác tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp);

+ Tuyên bố thành lập Công đoàn cơ sở;

+ Bầu Ban chấp hành Công đoàn cơ sở;

+ Thông qua chương trình hoạt động của Công đoàn cơ sở.

- Đối với việc bầu cử Ban chấp hành tại hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở thực hiện theo nguyên tắc bỏ phiếu kín, người trúng cử phải có số phiếu tán thành quá 1/2 so với số phiếu thu về. Phiếu bầu cử phải có chữ ký của trưởng ban vận động ở góc trái, phía trên phiếu bầu.

Bước 3: Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (Liên đoàn lao động cấp huyện, Công đoàn ngành) ra quyết định công nhận:

Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị của Ban chấp hành Công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trách nhiệm thẩm định tính hợp pháp của quá trình thành lập Công đoàn cơ sở.

- Trường hợp đủ điều kiện thì ra các quyết định: công nhận đoàn viên, công nhận Công đoàn cơ sở, công nhận Ban chấp hành.

- Trường hợp không đủ điều kiện công nhận thì thông báo bằng văn bản tới Ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở.

* Hồ sơ đề nghị công nhận đoàn viên, Công đoàn cơ sở, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở:

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi kết thúc hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở sở gửi hồ sơ, đề nghị công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở quyết định công nhận đoàn viên, Công đoàn cơ sở, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở, hồ sơ gồm:

+ Văn bản đề nghị công nhận đoàn viên, Công đoàn cơ sở, Ban chấp hành Công đoàn cơ sở;

+ Danh sách đoàn viên, kèm theo đơn gia nhập Công đoàn Việt Nam của người lao động;

+ Biên bản hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở;

+ Biên bản kiểm phiếu bầu Ban chấp hành Công đoàn cơ sở.

2. Công đoàn cấp trên cơ sở

2.1. Công đoàn ngành địa phương

Công đoàn ngành địa phương do Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố quyết định thành lập (hoặc giải thể) sau khi thống nhất với Công đoàn ngành Trung ương

2.2. Liên đoàn lao động huyện

Liên đoàn Lao động huyện do Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố quyết định thành lập (hoặc giải thể) và chỉ đạo trực tiếp

2.3. Công đoàn khu công nghiệp

Công đoàn khu công nghiệp quyết định thành lập,  giải thể và chỉ đạo các Công đoàn cơ sở  thuộc các đơn vị do địa phương thành lập hoạt động trong các khu công nghiệp; chỉ đạo Công đoàn cơ sở thuộc Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty của Trung ương  hoạt động trong các khu Công nghiệp

2.4. Công đoàn Tổng công ty

Tổng Công ty do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập thì CĐTCT đó do Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố thành lập và chỉ đạo trực tiếp.

Tổng Công ty do Bộ quyết định thành lập thì CĐTCT đó do Công đoàn ngành Trung ương thành lập và chỉ đạo trực tiếp.

Tổng Công ty do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập thì việc thành lập và chỉ đạo CĐTCT đó do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định.

2.5. Công đoàn ngành Trung ương

Công đoàn ngành Trung ương tổ chức theo đặc điểm ngành, do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn quyết định thành lập (hoặc giải thể) phù hợp với các quy định của Luật Công đoàn.

Việc thành lập các Công đoàn cấp trên cơ sở như: Công đoàn cơ quan một số Bộ, Ban của Đảng, Đoàn thể Trung ương và cấp tương đương do Công đoàn ngành Trung ương xem xét quyết định và hướng dẫn hoạt động theo đúng nguyên tắc của Điều lệ Công đoàn Việt Nam và hướng dẫn của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

2.6. Công đoàn trong Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân

Công đoàn trong Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân là những tổ chức Công đoàn ngành nằm trong hệ thống Công đoàn Việt Nam, tập hợp những công nhân, viên chức, lao động  làm việc hưởng lương trong các đơn vị sản xuất, khoa học, kỹ thuật, hành chính sự nghiệp, dịch vụ trong lực lượng quốc phòng và an ninh.

Tổ chức và hoạt động của Công đoàn trong Quân đội nhân dânViệt Nam và công đoàn trong Công an nhân dân do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định sau khi thảo luận thống nhất với lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Bộ Công an trên nguyên tắc bảo đảm đúng các quy định của Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

2.7. Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố

Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố được tổ chức theo địa giới hành chính tỉnh, thành phố, do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn quyết định thành lập (hoặc giải thể) phù hợp với các quy định của Luật Công đoàn.

 

Trân trọng!

Thông tin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐẠI KIM

Địa chỉ: Phòng 5G, Tòa nhà Viện Chiến lược khoa học Bộ Công an, Số 5 Tú Mỡ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
Tel: 024.8588.7555
Email: tuvanluat@luatdaikim.com
Web: www.luatdaikim - www.sangtentaisan.com - www.webthutuc.com

Có thể bạn quan tâm

Xử phạt vi phạm hành chính về tiền lương

Mức xử phạt vi phạm hành chính về tiền lương được quy định tại Nghị định số 95/2013/NĐ-CP như sau:


Xử phạt vi phạm hành chính về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi

Xử phạt vi phạm hành chính về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi được quy định tại Nghị định số 95/2013/NĐ-CP như sau:


Kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất vi phạm bị xử phạt thế nào?

Xử phạt vi phạm hành chính về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất được quy định tại Nghị định số 95/2013/NĐ-CP như sau:


Xử phạt vi phạm về an toàn lao động, vệ sinh lao động

Mức xử phạt vi phạm về an toàn lao động, vệ sinh lao động được quy định tại Nghị định số 95/2013/NĐ-CP như sau:


Mức xử phạt vi phạm về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Mức xử phạt vi phạm về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định tại Nghị định số 95/2013/NĐ-CP như sau:


Dịch vụ nổi bật