Cơ quan nhà nước yêu cầu phá dỡ mộ là đúng hay sai ?

Cập nhật | Số lượt đọc: 2762

Kính gửi: công ty luật Đại Kim! Tôi là L (sinh năm 1963), tỉnh Nghệ An.

Tôi xin kể về chuyện của gia đình chúng tôi như sau: - để chuẩn bị cho ngày lễ vu lan năm 2016, gia đình tôi có ý tôn tạo lại phần lăng mộ của cụ can năm đời của chúng tôi tại Dăm Nương Lòi. Tôi xin nói thêm một chút để luật sư có thể rõ hơn: lịch sử của Dăm Nương Lòi (có diện tích khoảng gần 100m2) đã tồn tại từ hàng trăm năm nay, có hàng trăm ngôi mộ, còn ngôi mộ của cụ can chúng tôi mai táng tại dăm này thì đã tồn tại ngót hơn một trăm năm nay rồi, lúc đó là H đang là xóm trưởng cho phép chúng tôi xây theo hình lục lăng (6 cạnh), với diện tích khoảng 5,5 ÷ 6m2, thời điểm xây lăng là năm 2006. Đến nay, lăng mộ của cụ tôi đã bị xuống cấp khá nghiêm trọng nên con cháu quyết định củng cố lại. Công việc bắt đầu từ ngày 12/7/2106 (tức ngày 10/6/ âm lịch) và mọi việc vẫn đang tiến hành trôi chảy, bỗng dưng có thông báo đình chỉ của xã là không được làm vì lí do: " vi phạm luật đất đai và quy định của địa phương"(tờ thông báo số 72 ra ngày 18/7/2016 do ông T - phó chủ tịch xã - phụ trách công tác tâm linh ký tên và đóng dấu). Băn khoăn trước sự việc này, gia đình tôi đã cử người đại diện trực tiếp gặp ông C (bí thư xóm 1), thì được biết: do gia đình không xin phép địa phương - mà trực tiếp là cấp ủy và ban cán sự xóm. Nên ông C yêu cầu gia đình cần kiểm điểm và nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc này. Nhận thấy gia đình cũng có sơ suất và thiếu sót về thủ tục hành chính nên chúng tôi cũng đã nhận lỗi và đề nghị ông C đại diện cấp ủy chi bộ xóm 1, ông B xóm trưởng đại diện chính quyền xóm 1 thông cảm và tạo điều kiện để gia đình được hoàn thành tâm nguyện đồng thời chúng tôi cũng cam kết rằng: nếu sau này vùng đất Dăm Nương Lòi thuộc diện quy hoạch phải di dời thì gia đình sẽ tự nguyện tháo dỡ vô điều kiện. Sau đó ông C, ông B và ông T đã thống nhất để gia đình tôi được tiếp tục tiến hành công việc, bởi sau khi kiểm tra trực tiếp, các vị chức sắc này cũng nhận định rằng việc tôn tạo mộ phần cho cụ tôi không hề xâm lấn gì đến vùng đất xung quanh, mà chỉ trên cơ sở lăng cũ đã có sẵn chúng tôi chỉ dựng cọc theo chiều thẳng đứng trong không gian (hoàn toàn không vi phạm luật đất đai và luật xây dựng hiện hành). Do đó, trong ba ngày từ 20/7/2016 ÷ 22/7/2016, gia đình tôi tiếp tục tiến hành công việc. Đến chiều ngày 22/7/2016, gia đình tôi nhận được tờ thông báo số 74 của UBND xã  đề ngày 22/7/2016 cũng với nội dung tương tự như tờ thông báo số 72 nói trên và cũng do ông T ký tên và đóng dấu, nhưng lần này yêu cầu gia đình phải có mặt tai hiện trường để tháo dỡ, nếu không gia đình phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Sáng ngày 23/7/2106, ông T có gọi điện thoại cho gia đình bảo: sáng nay (tức ngày 23/7/2016) yêu cầu gia đình phải có mặt tai hiện trường để cùng chính quyền xã tháo dỡ lăng mộ (?!). Nhận thấy cách hành xử của chính quyền xã có điều gì đó không bình thường trong sự việc này nên gia đình tôi đã không tham gia trong buổi sáng ngày 23/7/2016 để cùng chính quyền xã đập phá lăng mộ của tổ tiên chúng tôi - khi mà hai ngày trước đó họ đã đồng ý cho phép chúng tôi làm. Chính quyền xã cho đảng viên cán bộ trưởng đầu nghành ra đập phá lăng mộ của dân như vậy thì họ đã đúng hay sai? Ngày 22/8/2016, gia đình tôi tiếp tục viết đơn xin chính quyền xã cho phép chúng tôi sửa chữa lại phần lăng mộ bị đập phá và không nhắc gì đến hành vi sai trái đó của chính quyền nhưng chờ đợi một thời gian khá lâu khoảng hai tuần vẫn không thấy xã có ý kiến gì. Vì vậy buộc gia đình tôi phải nhờ đến pháp luật can thiệp. Sau khi tòa án huyện thụ đơn, chính quyền xã  đã xin phép tòa và luật sư bào chữa cho gia đình để được hòa giải với gia đình tại xã mà không ra tòa. Đó là vào ngày 12/10/2016 vừa qua. Buổi gặp này gồm có: - phía chính quyền: ông T - chủ tịch xã; ông H - cán bộ tư pháp của xã - đai diện phía gia đình: anh trai, chị gái tôi và anh rể tôi. Qua buổi gặp lần đầu này gia đình tôi nhận thấy phía ông T đã có một phần thay đổi về nhận thức, đã biết nhận sai và hứa khắc phục sữa chữa bồi hoàn kinh phí cho gia đình và đề nghị gia đình rút đơn bãi nại đồng thời yêu cầu gia đình ký vào để kết thúc mọi việc tại đây. Nhưng gia đình tôi không đồng ý. Sau đó ông H có ý kiến rằng: nếu gia đình cần thì ông T sẽ xin lỗi công khai một trong "ba kênh": + một: xin lỗi công khai trước toàn thể đảng bộ + hai: xin lỗi công khai trước toàn thể HĐND + ba: viết tờ rơi và dán lên bảng tin nhà văn hóa các xóm. Gia đình tôi  quyết định thể theo nguyện vọng của ông T là chỉ giải quyết mọi việc tại xã để giảm nhẹ mọi chuyện. Ngày 17/10/2016, gia đình đã gửi lên xã một lá đơn có tiêu đề: đơn đề nghị xử lý vụ việc đập phá lăng mộ tại xóm 1 (với nội dung cụ thể kèm theo ). Tuy nhiên, khi nhận đơn của gia đình thì chính ông H (cán bộ tư pháp xã) lại nói rằng: nếu theo yêu cầu của gia đình mà triệu tập mọi người đến thì làm ông T bẽ mặt quá và lại yêu cầu gia đình tôi là lên huyện (tức là hòa giải ở tòa án vào thứ 6 - ngày 21/10/2016 ) để giải quyết chứ không làm ở xã nữa đồng thời ông H cũng khẳng định rằng: ông T chỉ mắc lỗi trong quá trình thi hành công vụ chứ không thể cấu thành tội phạm(?!) Kính thưa luật sư, tôi mong luật sư  chỉ rõ cho chúng tôi biết kết luận của tòa án huyện  là: 1. ông T - chủ tịch xã  phải xin lỗi gia đình trước tòa 2. chính quyền xã  phải đền bù cho gia đình số tiền : 20.000.000đ (đã làm xong thủ tục này ngay buổi chiều ngày 21/10 vừa qua) 3. ông T phải ký vào đơn xin tôn tạo lăng mộ của gia đình. Với kết luận như vậy của tòa án huyện  đã khách quan, công bằng? đã đúng người đúng việc hay chưa? Bởi lẽ, sau kết luận này trong gia đình tôi đã có nhiều người rất bất bình vì ông T hầu như không phải chịu bất kỳ trách nhiệm gì trước hành đông sai trái của mình (tôi xin bổ sung thêm rằng: luật sư bào chữa cho gia đình cũng khẳng định là ông T không có tội gì nên không thể truy cứu TNHS được nên khuyên gia đình là chỉ hòa giải mà thôi.) Ở đây tôi chỉ băn khoăn một điều rằng: - một là: tại sao ông T không có tội mà tòa án huyện  lại yêu cầu phải ra tòa để xử?  Xin ý kiến chỉ bảo của luật sư. Kính chào và xin chân thành cám ơn luật sư!

Nội dung lá đơn kèm theo: cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam độc lập - tự do - hạnh phúc đơn đề nghị xử lý vụ việc đập phá lăng mộ tại xóm một xã ...kính gửi: đảng ủy, UBND xã  tên tôi là: T sinh năm: 1955 nguyên quán: tỉnh Nghệ An hộ khẩu thường trú: tỉnh Nghệ An qua vụ việc chính quyền xã  tổ chức cho người đập phá lăng mộ của gia đình chúng tôi tại Dăm Nương Lòi xóm 1 xã hưng tân vào ngày 23/7/2016. mặc dù rất bức xúc nhưng gia đình chúng tôi vẫn hết sức kiềm chế và rất kiên nhẫn để tiếp tục gửi đơn nhờ các cấp chính quyền can thiệp cho gia đình tiếp tục tôn tạo lại ngôi mộ phần đã bị đập phá. lá đơn này được gửi tới chính quyền xã vào ngày 22/8/2016. sau khi gửi đơn, gia đình tôi đã không nhận được bất cứ câu trả lời từ phía chính quyền xã. vì vậy, buộc gia đình chúng tôi phải nhờ pháp luật can thiệp. sau khi thụ lý đơn thư của gia đình, tòa án nhân dân huyện hưng nguyên đã vào cuộc để xử lý vụ việc nêu trên theo luật định. tuy nhiên, theo nguyện vọng của phía chính quyền, tòa đã đồng ý cho phép xử lý vụ việc này tại xã nếu được sự nhất trí của gia đình. ngày 12/10/2016, chính quyền xã đã mời gia đình chúng tôi lên làm việc theo phương thức hòa giải và thương lượng đền bù những thiệt hại do phía chính quyền gây ra. về phía chính quyền đã có thái độ tiếp thu và sửa sai. tuy nhiên, qua xem xét chúng tôi thấy hoàn toàn chưa thỏa đáng. đại gia dình tôi đã họp mặt toàn thể con cháu và đi đến thống nhất một số yêu cầu sau: i. triệu tập một cuộc họp với đầy đủ thành phần như sau: 1. bí thư đảng ủy xã hưng tân 2, chủ tịch ubnd - chủ tịch hđnd xã hưng tân 3. cán bộ tư pháp và các thành phần có liên quan đến vụ việc đập phá lăng mộ 4. đại diện của 9 xóm: bao gồm bí thư và xóm trưởng * yêu cầu không được ai vắng mặt ii. đích danh chủ tịch xã phải công khai xin lỗi gia đình tại cuộc họp này và nhận hình thức kỷ luật về đảng iii. giải quyết đơn của gia đình về việc tôn tạo lăng mộ có xác nhận đóng dấu của chính quyền iv. khắc phục hậu quả: 1. tiền vật liệu: 5000.000 đ 2. tiền nhân công: 5000.000 đ 3. tiền thuê luật sư: 20.000.000 đ iv. trọng tài hòa giải 1. cấp độ: phải từ cấp huyện trở lên 2. số lượng người tham gia: phải là số lẻ và có ít nhất là 3 người 3. mời trọng tài: phải được sự đồng ý và thỏa thuận của đôi bên: đại diện chính quyền xã và đại diện gia đình 4. quyết định thành lập tổ trọng tài: - phải ghi rõ chức danh và vị trí đang đảm nhiệm công tác - có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền vi. văn bản này được làm thành hai bản, có ký tên và đóng dấu của chính quyền - một bản chính quyền giữ - một bản gia đình giữ - thời gian triệu tập cuộc họp: không quá 5 ngày kể từ ngày nộp đơn (17/10/2016) - nếu chính quyền xã đồng ý thì gia đình sẽ thỏa thuận để hai bên cùng thương lượng và hòa giải tại xã - nếu chính quyền xã không đồng ý thì gia đình sẽ tiếp tục nhờ pháp luật can thiệp. hưng tân ngày 17 tháng 10 năm 2016 chính quyền xã hưng tân đại diện gia đình hồ sĩ thọ

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn pháp luật Đất đai của Công ty luật Đại Kim

 

>> Luật sư tư vấn luật tư vấn pháp luật Đất đai trực tuyến, gọi:  0948 596 388

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Đại Kim. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

I. Cơ sở pháp lý: 

Luật Đất đai năm 2013

Luật Tố tụng hành chính năm 2015

Bộ luật Dân sự năm 2015

Bộ luật Hình sự năm 1999

II. Luật sư tư vấn:

1. Chính quyền xã cho đảng viên cán bộ trưởng đầu nghành ra đập phá lăng mộ của dân như vậy thì họ đã đúng hay sai? 

Điều 162 Luật Đất đai năm 2013 quy định: "Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa
1. Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa phải quy hoạch thành khu tập trung, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, xa khu dân cư, thuận tiện cho việc chôn cất, thăm viếng, hợp vệ sinh, bảo đảm môi trường và tiết kiệm đất.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định mức đất và chế độ quản lý việc xây dựng phần mộ, tượng đài, bia tưởng niệm trong nghĩa trang, nghĩa địa bảo đảm tiết kiệm và có chính sách khuyến khích việc an táng không sử dụng đất.
3. Nghiêm cấm việc lập nghĩa trang, nghĩa địa trái với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt."

Theo bạn cung cấp thông tin, Dăm Nương Lòi là nơi chôn cất phần mộ từ hàng trăm năm nên có thể xác định đây là khu đất nghĩa trang. Do đó, nếu cơ quan nhà nước có thẩm quyền không có quyết định thu hồi đất theo quy định của pháp luật hoặc có quyết định về việc cải tạo, quản lý, yêu cầu diện tích tối đa mỗi phần mộ thì không phải di dời hay chỉnh sửa lăng mộ. Hơn nữa, việc tôn tạo mộ phần cho cụ bạn không hề xâm lấn gì đến vùng đất xung quanh, mà chỉ trên cơ sở lăng cũ đã có sẵn, dựng cọc theo chiều thẳng đứng trong không gian (hoàn toàn không vi phạm luật đất đai và luật xây dựng hiện hành) và ban đầu đã được ông T - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã đồng ý cho gia đình bạn tôn tạo mộ. Do đó, việc chính quyền xã cho đảng viên cán bộ trưởng đầu ngành ra đập phá lăng mộ của gia đình bạn như vậy là trái quy định của pháp luật.

2. Kết luận của tòa án huyện đã khách quan, công bằng?

Theo phân tích ở trên, hành vi cho người đập phá lăng mộ của gia đình bạn của ông T là trái quy định của pháp luật. 

Điều 246 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: "Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt

1. Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở  trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ  ba tháng đến  hai năm.

2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm."

Như vậy, hành vi khách quan cấu thành tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt là hành vi đào, phá mồ mả, chiếm đoạt đồ vật để trong mộ, trên mộ hoặc hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt. Ông T đã cho người đập phá phần mộ của gia đình bạn, nếu việc đập phá đó quá ảnh hưởng tới mức xâm phạm mồ mả thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm mồ mả. Nếu hành vi đó mới chỉ dỡ bỏ phần gia đình bạn đang dựng thêm thì chưa xác định là tội xâm phạm mồ mả.

Điều 607 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: "Bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả

1. Cá nhân, pháp nhân xâm phạm đến mồ mả của người khác phải bồi thường thiệt hại.

2. Thiệt hại do xâm phạm mồ mả gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại.

3. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp mồ mả của người khác bị xâm phạm phải bồi thường theo quy định tại khoản 2 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích theo thứ tự hàng thừa kế của người chết; nếu không có những người này thì người trực tiếp nuôi dưỡng người chết được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa đối với mỗi mồ mả bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định."  

Thiệt hại bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần. Do đó, việc Tòa án yêu cầu ông T phải xin lỗi gia đình là đúng quy định. Còn việc yêu cầu bồi thường thiệt hại thì phải căn cứ vào mức thiệt hại thực tế xảy ra, bao gồm, chi phí xây dựng, cải tạo lại phần đã bị đập phá và mức bồi thường tổn thất tinh thần do thỏa thuận. 

Việc Tòa án yêu cầu ông T phải ký vào đơn xin tôn tạo mộ của gia đình bạn là phù hợp với quy định vì việc gia đình bạn xin tôn tạo mộ không trái pháp luật nên ông T phải ký vào đơn của gia đình bạn.

3. Tại sao ông T không có tội mà tòa án huyện  lại yêu cầu phải ra tòa để xử?.

Điều 6 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định:

"1. Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, Tòa án có quyền xem xét về tính hợp pháp của văn bản hành chính, hành vi hành chính có liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện và kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại văn bản hành chính, hành vi hành chính đó và trả lời kết quả cho Tòa án theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Tòa án có quyền kiến nghị cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật nếu phát hiện văn bản đó có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cơ quan, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm trả lời Tòa án kết quả xử lý văn bản quy phạm pháp luật bị kiến nghị theo quy định của pháp luật làm cơ sở để Tòa án giải quyết vụ án."

Hành vi cho người đập phá lăng mộ của gia đình bạn của ông T là hành vi hành chính nên Tòa án có thẩm quyền giải quyết. 

Điều 31 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định: "Tòa án cấp huyện giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây:

1. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đó, trừ quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

2. Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án đối với công chức thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức đó.

3. Khiếu kiện danh sách cử tri của cơ quan lập danh sách cử tri trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án."

Như vậy, việc giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện là đúng thẩm quyền. 

Trên đây là tư vấn của Luật Đại Kim về Cơ quan nhà nước yêu cầu phá dỡ mộ là đúng hay sai. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 0948 596 388 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Đất đai.

Thông tin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐẠI KIM

Địa chỉ: Phòng 5G, Tòa nhà Viện Chiến lược khoa học Bộ Công an, Số 5 Tú Mỡ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
Tel: 024.8588.7555
Email: tuvanluat@luatdaikim.com
Web: www.luatdaikim - www.sangtentaisan.com - www.webthutuc.com

Có thể bạn quan tâm

Khi chuyển quyền sử dụng đất thì lối đi chung giải quyết như thế nào?

Kính gửi quý công ty. Ông bà tôi có một ngôi nhà từ những năm kháng chiến chống Pháp. Trong những năm 1970, ông bà có bán 4 buồng cho 4 người khác và có giấy chứng nhận tại thời điểm bấy giờ với diện tích sử dụng của 4 buồng đó.


Hướng dẫn xin chia đất ruộng khi có thêm nhân khẩu

Em chào luật sư. Em muốn hỏi 1 vấn đề mong luật sư giải đáp cho em. Nhà em thuộc tầng lớp nông dân được chia ruộng. Năm 2016, Ủy ban nhân dân phường kiểm kê đất đai, thông báo nhà em được chia thừa ruộng và Ủy ban phường thu hồi lại.


Mức phí công chứng, chứng thực hợp đồng

Xin kính chào công ty Luật Đại Kim. Tôi xin có câu hỏi như sau: Ở địa phương mà nơi tôi đang cư trú, xã VA, Huyện NH, tỉnh Cà Mau. Đa số đất điều là đất rừng và do ban quản lý rừng phòng hộ đất mũi quản lý và khi người dân có nhu cầu sẽ được cơ quan xác nhận và cấp sổ giao khoán rừng và đất rừng sản xuất.


Quy định về việc thu hồi đất của cơ quan nhà nước

Kính gửi luật sư! Xin luật sư tư vấn trường hợp sau: mười bốn hộ gia đình chúng tôi được cấp đất trồng rừng phòng hộ và rừng đặc dụng theo dự án 327 của Chính phủ từ năm 1996.Năm 2004, tỉnh ra quyết định cho phép công ty tư nhân SNHB thực hiện dự án “khu công nghệ thực phẩm và dịch vụ SN” với mục tiêu xây dựng khu trồng, chế biến rau quả xuất khẩu theo công nghệ sạch, kết hợp phát triển du lịch sinh thái.


Xây nhà tạm trên đất chợ có hợp pháp không?

Xin chào Luật Sư! Hiện nay tôi là cán bộ địa chính xây dựng cấp xã, Tôi có 1 câu hỏi như sau: hiện tôi mới về xã nhận công tác. trước đây, có công dân xây nhà tạm trên đất chợ của xã (hiện hộ gia đình không có bất kỳ giấy tờ nào về việc cho phép xây dựng nhà trên chợ) tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, hộ dân đó không chịu di dời ngôi nhà trên để xã quy hoạch lại chợ. vậy xin hỏi luật sư: chúng tôi cần giải quyết vấn đề này


Dịch vụ nổi bật